Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

Một khúc tình ca


Thành phố nhỏ nằm êm đềm dưới chân núi. Một dòng sông hiền hòa chảy qua mang đến vẻ duyên dáng, nên thơ. Những con đường rợp bóng cây xanh, những mái nhà rêu phong cổ kính, những đền đài lăng tẩm, và cả những cơn mưa từ lâu đã trở thành đặc sản. Tất cả làm nên một cố đô mộng mơ, đượm vẻ u hoài nhưng cũng khắc sâu trong tim của những ai đã từng có duyên với vùng đất ấy.

Thuở đó, tôi còn là một cô sinh viên năm nhất, vừa mới “kết duyên” với Khoa Toán trường Đại Học Sư Phạm. Người se mối “lương duyên” này là ba tôi, cũng là một người con của Khoa Toán, tốt nghiệp vào những tháng ngày bom đạn chiến tranh vừa mới đi qua, nên lòng mang nhiều tâm tư, cùng những ước mơ vẫn còn dang dở. Khoa Toán thời đó như một anh chàng thư sinh nghèo hiền lành và giản dị, vẻ bề ngoài tuy không quá “đẹp trai”, nhưng nhìn chung cũng không đến nỗi nào. Đặc biệt, cái vẻ chững chạc, trí thức, cùng tương lai khá ổn định thì lại được lòng rất nhiều bậc phụ huynh. Còn thế hệ 8x đời đầu như chúng tôi, vốn được dạy rằng, để được ngợi khen, thứ nhất phải là “con ngoan”, thứ hai phải là “trò giỏi”, cho nên, với tôi, lời mẹ cha đâu dám phớt lờ. Thế là tôi khước từ sự theo đuổi của “hot boy” Sài Thành Ngoại Thương cùng chàng công tử hào hoa Bưu Chính, gật đầu sánh duyên cùng chàng thư sinh nghèo Sư Phạm. Và từ đó cô sinh viên năm nhất bắt đầu những tháng ngày ngày hai lần đạp xe đi về trên con đường thơ mộng bên sông để đến với ngôi trường xây theo lối kiến trúc kiểu Pháp. Tôi bắt đầu làm quen với dãy nhà A, với lớp học chứa được cả trăm sinh viên, nơi là “căn cứ” của chúng tôi một thuở; làm quen với các dãy hành lang của hai tòa nhà hình chữ Y mỗi khi dạo qua tìm bạn học ở Khoa khác. Những khoảng không gian xanh khi nhìn từ những ô trống trên lầu cao, cầu thang hình xoắn ốc, hàng ghế đá dừng chân mỗi giờ giải lao, mấy cây liễu hoa đỏ rực, nơi các cô sinh viên làm dáng khi chụp ảnh,… lưu lại trong tôi những ấn tượng thật đậm nét.  Rồi những người bạn, đến từ những vùng miền khác nhau của đất nước: anh bạn người Kontum dễ thương, cậu bạn người Nha Trang vui tính, cô bạn người Thanh Hóa vừa xinh đẹp vừa hiền lành, còn có anh chàng người Quảng Trị vừa đẹp trai lại hát rất hay,… Thật khó mà quên anh bạn người  Quảng Nam, nói giọng hay thật hay, nhưng sao tôi nghe cứ như tiếng của …người hành tinh khác. Đăc biệt, tôi được làm quen với bốn thầy trẻ tuổi nhất (và có lẽ cũng đẹp trai nhất J) Khoa Toán thời ấy. Cứ mỗi giờ lên lớp, được nhìn ngắm các thầy bước lên bục giảng, mang theo cả một bầu nhiệt huyết, cùng niềm đam mê sáng bừng trong ánh mắt, trái tim thiếu nữ mười tám tuổi trong tôi bỗng đập rộn ràng…
Mối tình đầu vốn hiếm khi nên duyên, huống chi có mấy ai có thể nắm tay nhau đi đến hết cuộc đời khi tâm chưa tình, ý chưa nguyện? Sáu tháng sau, tôi nói lời chia tay chàng thư sinh nghèo của vùng đất mộng mơ, mang theo trong hành trang là những kỷ niệm và ký ức của mối tình đầu, rời cố đô này để đến với một cố đô khác. Nơi tôi đến cũng có một dòng sông hiền hòa chảy qua, cũng có những lâu đài, cung điện. Mười tám tuổi, lần đầu tiên chạm tay vào tuyết, lần đầu tiên bước chân lên thảm lá vàng của danh họa Levitan, và lần đầu tiên hiểu thế nào là “thế giới ngoài kia thật là rộng lớn”. Trái tim trẻ tuổi, khát khao khám phá, khát khao chinh phục cũng lần đầu tiên thấy thật choáng ngợp.
Tôi bắt đầu làm quen với những giảng đường lớn, nơi có những vị giáo sư với chòm râu bạc như cụ Dumbledore trong tiểu thuyết Harry Potter, giảng bài như những giáo sĩ truyền đạo, và dù nói về những điều tân thời hay xưa cũ cũng với cùng một sự nhiệt tình. Còn lũ sinh viên chúng tôi, như những tín đồ lắng nghe, thành kính có, nghi ngờ có, và thờ ơ cũng có, nhưng đều có chung một tâm trạng, là lo lắng, hồi hộp pha chút sợ hãi vào mỗi kỳ thi. Thế nào cũng có vài sinh viên gào lên “Tại sao lại phải học những môn này?” mỗi khi mùa thi đến. Và đáp lại chúng tôi, chỉ là những ánh mắt bao dung và nụ cười hiền hòa trên chân dung các vị “tiền nhân” treo dọc các dãy hành lang; như muốn nói rằng: “Đường tới khoa học hãy còn xa xôi lắm”.
Đầu những năm hai ngàn, cơn bão internet bắt đầu tràn qua, thỏa mãn cơn  khát khao thông tin của cả nhân loại, nhưng cũng làm cho những đứa sinh viên như tôi bỗng thấy mình thật nhỏ bé. Giữa biển trời mênh mông của tri thức, con người như thu lại là một hạt cát giữa sa mạc bao la, bỗng hoang mang tự hỏi “Mình sinh ra và sống trên đời này để làm gì nhỉ?”. Tuổi trẻ ai chưa từng một lần tự đặt ra câu hỏi đó? Để rồi từ đấy thấy mình đang dần dần lớn lên…
Mối tình thứ hai, dẫu biết trước sẽ chia xa, vẫn làm tôi cháy hết mình sự nhiệt tình của một thời tuổi trẻ. Và từ đó trưởng thành...
Trở về cố đô vào những ngày mùa hạ, hàng phượng đỏ nghiêng mình chào đón, thành phố vẫn êm đềm, nên thơ, và chàng thư sinh nghèo ngày xưa vẫn đứng đó, nghiêm trang nhưng dịu dàng và bao dung. Quyết định quay về với mối tình đầu, có sự cổ vũ rất lớn của chú tôi, cũng là một người con Khoa Toán, là một người chú, một người thầy, và cũng là một người đồng nghiệp đáng kính. Thật ra, khi người ta đã trưởng thành, khi những hào nhoáng, hư vinh bỗng trở thành hư ảo, ta bỗng nhận ra đâu là nơi mà mình sẽ thuộc về…
 Đã bao nhiêu năm trôi qua kể từ thở ấy, và đã có bao nhiêu người cũng từng một thời phải lòng chàng thư sinh nghèo Khoa Toán xứ cố đô như tôi? Dẫu là mối tình đầu, hay là mối tình thứ mấy, dẫu là sâu sắc hay chỉ là một phút thoáng qua, thì cũng như là một khúc tình ca, vang lên một lần trong thời tuổi trẻ, để rồi từ đó cứ  ngân lên, ngân mãi trong suốt cả cuộc đời. Và rồi một hôm, ta bỗng muốn lần theo giai điệu, để tìm về ký ức, của một thuở ngày xưa…
                                                                                  Huế, tháng 2 năm 2017
                                                                                                 HT
(Cựu SV Khoa Toán Khóa 2000)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét