Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

Nối dài bước chân


Những bước chân non
Nếu chỉ một mình tôi bước chân vội vàng hay chậm rãi trên nẻo đường đời ngắn dài tùy vào mệnh trời này, thì chắc rồi cũng sẽ đến nơi đến chốn, chỉ là nhanh hay chậm thôi. Nhưng nếu cùng với Thầy Cô, đồng nghiệp, thế hệ đàn anh, đàn em, học trò, cùng nhau nối dài bước chân, chắc những nẻo đường ấy sẽ rẽ nhánh, rồi vươn dài ra và phủ rộng khắp nơi đủ ấm bước chân đi. Nhớ lại câu đồng dao hồi những năm đầu tiểu học, nghêu ngao trên đường làng mỗi chiều tan học: “Tau đi bên ni có bông có ba, mi đi bên nớ có con ma chặn đường”.
Đường đời nhiều lối rẽ, bên ni bên nớ, mỗi người mỗi nẻo trên chính đôi chân của mình, thầm lặng tỏa ra khắp mọi phương trời. Tôi sinh ra ở vùng quê ven thành phố Huế, gia đình làm nông trong thời chiến tranh nhiều biến động. Ở tuổi thiếu niên khi chiến tranh ác liệt xảy ra, những ngày tháng khi thì cần phải nằm hầm để tránh bom đạn lạc, khi thì cả làng gánh gồng “tản cư” từ nơi này sang nơi khác để tránh xa vùng chiến sự, tôi cũng đã nhận ra ít nhiều từ nỗi ám ảnh sợ hãi hằn rõ trên gương mặt của những người thân yêu, chiến tranh đem lại những đau thương mất mát khó hàn gắn được cho nhiều người. Việc học của trẻ em vùng quê cũng ảnh hưởng nhiều bởi chiến tranh, trường tiểu học thường xuyên vắng dần những bước chân non từ vùng ven trở ra.
Khi tôi bắt đầu học trung học đệ nhất cấp (trung học cơ sở) năm 1967, là giai đoạn chuyển tiếp mạnh từ nền giáo dục truyền thống tri thức hàn lâm của Pháp sang nền giáo dục chú trọng các phương pháp thực nghiệm của Mỹ, các kỳ thi nặng nề theo truyền thống trước đó được bãi bỏ trong đó có kỳ thi “bằng trung học đệ nhất cấp” ở cuối lớp 9, năm 1967. Học sinh đủ điểm tốt nghiệp theo học bạ được đăng ký lên học trung học đệ nhị cấp (trung học phổ thông) theo bốn ban A: Vạn vật, B: Toán, C: Văn chương và D: Cổ ngữ (tiếng Hán Nôm, và Latin). Khi tôi lớn lên, trường tôi học chỉ có hai ban A, B. Sự phân ban nhấn mạnh vào năng lực theo định hướng nghề nghiệp của học sinh, ví dụ tôi chọn ban B, thì trong quá trình học điểm Toán hệ số 5, Lý hóa hệ số 4, Sinh ngữ 1 (anh văn hoặc pháp văn) hệ số 2, Sử địa hệ số 2, Văn học hệ số 2, lên lớp 12 thì triết học thay cho văn học hệ số 2, vạn vật hệ số 1, sinh ngữ 2 (pháp văn hoặc anh văn) hệ số 1. Năm 1973, bãi bỏ kỳ thi tú tài I và chỉ thi một bằng tú tài toàn phần hay tú tài phổ thông, như bằng tốt nghiệp trung học phổ thông bây giờ. Việc chấm thi cũng thay đổi, thay vì thi viết, bài thi được biên soạn theo hình thức trắc nghiệm để chấm bằng máy điện toán IBM (International Business Machine) bắt đầu từ năm 1974. Khóa học 1967-1974 của tôi chịu ảnh hưởng của những thay đổi trong giáo dục theo chiều hướng tích cực, khuyến khích mọi học sinh học tập, phát triển tài năng năng cá nhân. Lứa học sinh của chúng tôi là thế hệ đầu tiên và cũng là cuối cùng của kỳ thi tú tài IBM, vì lẽ đó sau này gặp lại chúng tôi thường gọi đùa là tú tài “Ai Bi Thảm”. Thảm vì bị khai tử sau một năm tồn tại ngắn ngủi.
Năm 1974, ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông IBM, tôi cùng bạn bè phổ thông dự buổi giới thiệu về các Khoa và ngành học của Viện Đại học Huế, do các giáo sư từ các khoa trình bày, ở giảng đường 2. Trong đó Y Khoa và Khoa Sư phạm được ưa chuộng vì chỉ số lương cao hạng A, và đối với nam sinh thì được miễn quân dịch một năm nếu bị ở lại lớp. Nhưng muốn vào hai khoa này thì phải thi, còn những khoa còn lại như: Khoa học, Văn khoa, Luật khoa thì chỉ cần ghi danh học. Ra trường có nhiệm sở ngay để đi làm vì giáo viên cấp ba và bác sĩ vào thời đó đang còn khan hiếm. Tôi chọn thi tuyển vào Ban Toán, Khoa Sư phạm. Kỳ thi gồm hai phần viết và vấn đáp. Sau khi đỗ phần thi viết, danh sách trúng tuyển được công bố và sẽ có lịch thi vấn đáp. Tôi nhớ lại có thể không chính xác, là phần thi viết gồm ba môn: môn kiến thức đại cương về giáo dục, toán và lý. Kiến thức về giáo dục trích dẫn câu nói nổi tiếng của một tác giả nước ngoài “Chín mươi phần trăm những người ta gặp, tốt hay xấu, hữu dụng hay vô tích sự, đều do giáo dục mà ra”, rồi yêu cầu thí sinh bình giảng câu nói trên theo quan điểm giáo dục của riêng mình. Đề toán có nhiều câu, trong đó có một bài toán đưa ra một phép toán hai ngôi có cấu trúc khá xa lạ với những gì học ở phổ thông, và đề nghị thí sinh khảo sát và chứng minh các tính chất toán học của phép toán cũng như cấu trúc nhóm của tập đã cho mà phép toán có thể mang lại. Với tôi đề thi toán rất thú vị đòi hỏi thí sinh phải hiểu được bản chất của các đối tượng toán học được hỏi, khác hẳn với các câu hỏi trong đề thi tú tài. Tôi không còn nhớ những nét đặc sắc về đề thi Vật lý, nhưng chắc là cũng đòi hỏi tư duy để giải.
Tôi được thông báo đỗ phần thi viết khá muộn bằng điện tín của người nhà khi đang ở Pleiku vào buổi trưa, và thông báo ra Huế gấp để thi vấn đáp vào ngày hôm sau. Ai không dự thi vấn đáp xem như hỏng. Hồi đó có máy bay dân dụng từ Pleiku ra Huế, nhưng hôm đó do chiến sự ở vùng lân cận sân bay Phú Bài nên chuyến bay bị hủy. Đến chiều, tôi đành phải chọn đi xe từ Trà Bá, Pleiku về Diêu Trì, Qui Nhơn ở lại qua đêm để ngày mai ra Đà Nẵng. Hồi đó có nhiều xe khách Phi Long từ Qui Nhơn ra Đà Nẵng, nhưng khách đi khá ít vì họ sợ bom mìn cũng như chiến sự nguy hiểm dọc đường bộ. May mắn là tôi ra đến Đà Nẵng an toàn vào khoảng giữa trưa. Tôi đi xe Toyota 16 chỗ của hãng Đồng Tân ra Huế vừa đúng 2:30 chiều. Kịp tắm rửa nhanh và thay quần áo, phóng xe đạp ra phòng thi vào lúc 3:00. Trong phòng khi đó đang còn hai người thi, tên là Vị và Yến. May là tôi vần V nên xem như chưa quá trễ. Đó là khoảnh khắc tôi gặp người Thầy ở Ban Toán đầu tiên, Thầy Lê Thanh Hà. Tôi gõ cửa bước vào, đưa tờ giấy điện tín, Thầy hỏi tôi có phải thí sinh Trần Vui không, và có sẵn sàng để thi chưa. Phong thái sư phạm nhẹ nhàng khuyến khích người khác của Thầy đã làm cho tôi lấy được tự tin từ lỗi đến trễ. Đề thi là một bài khảo sát hàm số dạng hữu tỉ chuẩn mực sư phạm, đề nghị thí sinh giải và trình bày trên bảng bằng phấn. Sau này mới biết kỳ thi vấn đáp là để kiểm tra hình thể có dị tật gì không, giọng nói rõ ràng, chữ viết đẹp, cũng như cách trình bày sư phạm. Tôi qua được kỳ thi vấn đáp và may mắn được chính thức vào học ở Ban Toán từ tháng 9 năm 1974.
Những thế hệ nối dài bước chân
Lớp tôi có danh sách trúng tuyển vào 30 nam sinh viên, số sinh viên sau này có giao động ít nhiều, đến từ những tỉnh miền Trung, chủ yếu là từ Quảng Ngãi, Quảng Nam, Thừa Thiên, Quảng Trị. Sau này khi làm quen với nhau mới biết, những tân sinh viên Toán đa số xuất thân từ gia đình không khá giả, một số sống ở vùng quê và một ít ở thành phố, nhưng có cùng sở thích chung là thích học toán và đam mê nghề dạy toán. Hồi đó lớp tôi được phân phòng học cố định là A.II.4 của dãy nhà Y, 32 Lê Lợi. Còn dãy nhà Y, 34 Lê Lợi là của Trường Trung học Kiểu Mẫu, được dạy theo chương trình thực nghiệm của Hoa Kỳ, là trường thực hành của Khoa Sư phạm. Thầy Lê Thanh Hà, trưởng Ban Toán, phụ trách lớp học và dạy môn Đại số. Một giảng viên toán chuẩn mực sư phạm, kiến thức chắc chắn. Thầy mong muốn năm đầu tiên ở Sư phạm sẽ đặt được những bánh xe cơ bản cho tân sinh viên, để sang năm thứ hai qua học ở Khoa học có thể tự lăn tốt được. Thầy Lê Tự Rô dạy môn giải tích thực và giải tích phức. Thầy Rô sau này vào dạy ở Biên Hòa, Đồng Nai. Cả hai Thầy đã nỗ lực truyền đạt những kiến thức nội dung toán học cơ bản về đại số và giải tích cơ bản cho sinh viên. Năm 2003, tôi có cơ hội vào dạy chuyên tu ở Đồng Nai, tìm đến nhà thăm Thầy, nhưng hàng xóm nói Thầy đã bị bệnh mất, và gia đình chuyển lên Sài Gòn sinh sống. Ban Toán lúc đó chỉ có hai giảng viên là Thầy Hà và Thầy Rô. Thầy Võ Văn Thơ đang du học ở nước ngoài. Dịp kỷ niệm 55 năm Đại học Sư phạm Huế, Thầy Thơ viết bài “Những may mắn của đời tôi” thật cảm động, Thầy nhắc nhiều đến may mắn và niềm đam mê của Thầy khi học ở Ban Toán. Thầy mất cách đây mấy năm ở nước ngoài. Ngoài các giờ học Toán, chúng tôi học môn “Nhiệt học” của Thầy Thọ, môn “Quang học” của Thầy Quỵ, môn “Thí nghiệm Vật Lý” của Thầy Thái, học ở Phòng thí nghiệm, Đại học Khoa học. Môn “Tâm lý thanh thiếu niên” của Linh mục Huynh. Những khái niệm và cách đo chỉ số thông minh IQ được Thầy minh họa bằng những bài Test của Hoa Kỳ. Thầy thường xuyên có những bài kiểm tra trên lớp. Bài làm chỉ được viết trên một trang của tờ giấy vở kẻ ô li gồm 24 hàng, không được viết qua trang khác. Bài làm gồm phần mở đầu không quá ba hàng, phần thân bài, và phần kết luận cũng không quá ba hàng. Những điều viết ra phải có căn cứ logic rõ ràng, không được viết những câu như: chúng ta đã biết, người ta nói rằng… Thầy Huynh rất thích dạy lớp Toán, vì sinh viên toán tiếp thu nhanh cách suy nghĩ theo tâm lý thanh thiếu niên và biết cách viết bài chặt chẽ, logic. Sau này tôi mới thấm là viết càng ngắn, càng súc tích càng khó.  Ngoài ra còn có hai môn “Con người và môi trường sống” của nhiều Thầy Cô trong Đại học Huế tham gia, và môn “Anh văn” học theo các lớp được phân loại đầu vào theo trình độ ABC. Giờ học trên lớp không nhiều, nhưng cần thời gian tự học, đọc sách tham khảo tiếng Anh và tiếng Pháp ở thư viện khá nhiều mới có thể hiểu bài và làm được bài tập. Thư viện Đại học Huế hồi đó, sách toán bằng tiếng Anh nhiều và cập nhật ngang với quốc tế, phòng đọc rộng rãi, yên tĩnh. Có những ô riêng kín đáo dành cho những sinh viên cần tập trung học.
Mới vào năm thứ nhất, nhưng trong lớp ai cũng chăm chỉ học, theo bảng thông báo ở tầng 1, danh sách điểm của các lớp đàn anh có nhiều điểm Vớt (V) và Hỏng (H). Chỉ cần có điểm H một môn là ở lại lớp. Có nhiều môn được điểm V là may mắn. Khi tôi vào năm thứ nhất, thế hệ của anh Lê Văn Quang, Lê Văn Cần, Lê Đình Châu, Trịnh Đạt… đang học năm thứ tư, sau này tốt nghiệp 1975. Khóa tốt nghiệp năm 1974 có những sinh viên học giỏi đang tu nghiệp ở Pháp trong đó có anh Thông. Trên bảng thông báo của Ban Toán có danh sách các nhiệm sở ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Phan Rang của sinh viên Toán tốt nghiệp năm 1974. Số nhiệm sở vừa sít sao với số lượng sinh viên tốt nghiệp. Dựa trên điểm số các môn học, sinh viên tốt nghiệp được xếp loại từ trên cao đến thấp. Sinh viên đầu lớp được chọn nhiệm sở yêu thích đầu tiên, kế đến sinh viên xếp thứ hai và cho đến hết. Cách phân bổ nhiệm sở bảo đảm cung cầu và năng lực học tập kiểu như vậy đã thực sự khuyến khích tài năng của các cá nhân sinh viên trong quá trình học tập để làm tốt nghề dạy toán sau này.  
Theo truyền thống của Ban Toán hồi đó, lớp ngay trên kết nghĩa với lớp bên dưới. Như vậy lớp tôi được kết nghĩa với lớp Toán năm thứ hai, gồm những gương mặt thân quen: Lương Hà, Trần Đạo Dõng, Trương Văn Thương, Nguyễn Thanh Tiên, Trần Đình Quế, Dương Quang Tú, anh Thiềm, anh Xâm, anh Bình, chị Hà… Ấn tượng buổi gặp mặt đầu tiên, các anh chỉ cho những sách cần đọc tham khảo để làm bài tập, những môn nào dễ bị điểm H cần chuẩn bị như thế nào. Các tân sinh viên hỏi nhiều thứ, các anh chị thay phiên nhau trả lời. Buổi gặp mặt thật bổ ích. Trong đó được các anh chị truyền lại bản “copy” của những bài ghi chép cẩn thận và rõ ràng của sinh viên khóa trên là anh Trần Dư Sinh, tốt nghiệp 1973.
Ngoài việc học, lớp Toán chúng tôi cũng bắt đầu tham gia vào các hoạt động xã hội, bạn Nguyễn Hoàng được bầu làm lớp trưởng, và đương nhiên có liên quan đến Ban đại diện sinh viên, là một đối trọng của Ban Giám hiệu Trường Sư phạm trong việc thực hiện các chủ trương giáo dục ở Trường. Bắt đầu tháng 10 là rục rịch nhân sự cho các liên danh của Ban đại diện. Năm đó có hai liên danh: Liên danh 1: có những tư tưởng thân tả, Liên danh 2: có tư tưởng cấp tiến. Lớp tôi có Nguyễn Hữu Mai tham gia liên danh 1. Hai liên danh tự tổ chức nói chuyện, dán pano áp phích khắp trường để quảng bá kế hoạch hành động của đại diện sinh viên, làm thế nào để bảo đảm quyền lợi của sinh viên được nhiều nhất trong quá trình học. Tôi không còn nhớ cách bầu chọn các liên danh như thế nào nhưng kết quả là Liên danh 2 thắng cuộc. Ban đại diện ra mắt sinh viên với những kế hoạch hành động mới. Tết năm 1975, ban đại diện sinh viên đã tổ chức một buổi Văn nghệ mừng xuân hoành tráng và ý nghĩa ở Giảng đường 2, trong đó có Sớ táo quân dài dí dỏm điểm xuyết những hoạt động đáng quan tâm của sinh viên toàn trường trong năm qua. Những tài năng văn nghệ và hoạt động xã hội của sinh viên Sư phạm hồi đó thật nổi bật, biết chơi nhiều loại nhạc cụ, hát hay và diễn kịch giỏi.
Học xong học kỳ 1, nghỉ Tết, chuẩn bị sang học kỳ 2, đến đầu tháng 3/1975 thông tin chiến sự ở các nơi đã lan đến Huế. Chỉ nghe thông báo là sinh viên Đại học Huế tạm nghỉ học. Những dòng người “di tản” lại lục đục kéo nhau từ Huế vào Đà Nẵng hoặc Sài Gòn như năm 1972. Đến tháng 5, 1975 mới có nhiều sinh viên trở lại Huế. Khi đó, sinh viên chủ yếu tham gia vào các buổi sinh hoạt chính trị và lao động xã hội công ích.  Học kỳ 2, chúng tôi không học chuyên môn. Năm 1975 vẫn tổ chức tuyển sinh, khóa đó có nhiều gương mặt gần gũi: Lê Văn Hạp, Hoàng Văn Ngô, Thái Huy Bích, Trương Anh, Phạm Sỹ, Niệm… đó là lớp sinh viên đầu tiên toàn miền Nam đạt danh hiệu “Lớp học xã hội chủ nghĩa” được xây dựng điển hình ở Khoa Toán.
Những bước chân giao thoa Bắc Nam
Sang đầu năm thứ hai, lớp chúng tôi bắt đầu học lại chuyên môn. Năm đó chủ yếu chỉ học ba môn ở Đại học Khoa học, môn Xác suất thống kê của Thầy Dương, môn Giải tích của Thầy Hỷ, môn Đại số của Thầy Phiệt.
Sang năm thứ ba có những giảng viên từ các đại học phía Bắc vào giảng dạy, có Thầy Võ Tiếp, từ ĐHSP Vinh, với kiến thức uyên bác, hiểu sâu các vấn đề cơ bản của toán học, có khả năng dạy nhiều môn: Độ đo và tích phân, giải tích hàm, không gian metric và topo. Trong thời gian Thầy làm chủ nhiệm Khoa Toán, đã không ngừng thúc đẩy và phát triển đội ngũ cán bộ trẻ. Sau này Thầy vào dạy ở Đại học Quy Nhơn, nay đã nghỉ hưu. Nhân dịp tham dự Hội nghị Toán học toàn quốc tổ chức ở Qui nhơn, tôi và các cựu sinh viên Toán Huế có dịp đến thăm Thầy và Gia đình ở trong khuôn viên nhà ở cán bộ của Đại học Qui Nhơn. Nhớ lại năm 2012, kỷ niệm 55 năm, Thầy đã đi tàu từ Qui Nhơn ra Huế để tham dự, Thầy đã già đi nhưng vẫn còn nhớ nhiều những chuyện xưa cũ xảy ra ở Khoa Toán Huế, Thầy vẫn say sưa trò chuyện với học trò cũ của mình với tiếng cười sảng khoái thật thân thương.
Thầy Nguyễn Văn Bàng, từ ĐHSP Vinh, tâm huyết với những đổi mới dạy học toán, Thầy quan tâm nhiều đến việc dạy học các nội dung toán cụ thể trong môi trường có vấn đề theo hướng didactic của Pháp. Thầy đã đặt nền tảng cho hợp tác Việt-Pháp về didactic Toán với Đại học Grenobe, là bạn thân của GS. Claude Comiti, người đã nhiều lần đến làm việc với Khoa Toán và Trường về chương trình dạy Toán và Khoa học bằng tiếng Pháp. Thầy đã tìm hiểu nhiều về ứng dụng tin học trong dạy học Toán và Khoa học tự nhiên. Những giờ lên lớp của Thầy sâu sắc và có tính khái quát ứng dụng cho nhiều tình huống dạy học khác nhau. Sau này khi lớn tuổi, Thầy bệnh nặng phải điều trị nhiều năm và qua đời ở Hà Nội trong niềm thương yêu của nhiều thế hệ học trò.
Thầy Trần Khánh Hưng, trước là giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, học tiến sĩ ở Đức về, quê Thầy ở Phú Yên nhưng lại chọn Huế làm bến đậu cuộc đời, là cán bộ giảng dạy có trình độ cao, Thầy làm Chủ nhiệm Khoa Toán, rồi Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế, với nhiều tâm huyết để đổi thay giáo dục. Thầy đã không ngừng thúc đẩy cán bộ trẻ phát triển về chuyên môn, Thầy chọn Viện Toán ở Hà Nội để làm điểm tựa phát triển chuyên môn của giảng viên. Khi đã về hưu, Thầy vẫn thường xuyên gặp gỡ cán bộ trong khoa vào những dịp 20 tháng 11 và nghỉ mát của khoa vào mùa hè để trao đổi về những điều Thầy đang trăn trở mong có người tiếp tục thực hiện. Thầy lâm bệnh và mất ở Huế, trong lễ tang của Thầy nhiều thế hệ học trò đã tề tựu về để kịp đưa Thầy về nơi an nghỉ cuối cùng.
Ngoài ra còn có những môn học có giảng viên thỉnh giảng từ Đại học Sư phạm Vinh: Môn “Hình học vi phân” của Thầy Trần Đình Viện, môn “Số học” của Thầy Nguyễn Quý Di, môn “Hình học Afin, Euclide và Xạ ảnh” của Thầy Trần Đình Hy. Và từ Đại học Khoa học Huế, Thầy Lê Tự Hỷ dạy môn “Quy hoạch tuyến tính”, Thầy Châu Trọng Bính dạy môn “Hình học Họa hình”.
Thầy Nguyễn Xuân Tuyến, tốt nghiệp tiến sĩ ở Nga. Về Huế khi đang còn trẻ. Thầy không dạy trực tiếp lớp tôi, nhưng có hướng dẫn sinh viên trong lớp làm khóa luận tốt nghiệp về các sơ đồ giao hoán và dãy khớp trong đại số. Sau này Thầy là Hiệu trưởng nhà Trường và vẫn tham gia các hoạt động chuyên môn ở Khoa. Đến bây giờ đã đến tuổi nghỉ hưu, Thầy vẫn tham gia nghiên cứu khoa học, hướng dẫn học viên cao học làm luận văn và nghiên cứu sinh làm luận án tiến sĩ.
Cùng khoảng thời gian 1977 và những năm sau đó, có nhiều cán bộ trẻ vừa tốt nghiệp được tăng cường từ miền Bắc: Nguyễn Trọng Chiến, Nguyễn Văn Bằng, Lê Thị Hoài Châu, Võ Xuân Ninh, Lê Thị Hòa, Lê Văn Liêm, Nguyễn Hữu Kỳ, Nguyễn Văn Mẫu, Hồ Văn Tích, Trần Huyên, Nguyễn Hoàng Nguyên, Lưu Văn Thắng, Trần Văn Thiều, Lê Văn Nhã, Trần Văn Thịnh, Nguyễn Văn Hòe và một số từ Nga về: Lê Viết Ngư, Trần Khánh, Trần Văn Đờ. Năm 1976, Khoa bắt đầu giữ lại cán bộ trẻ tốt nghiệp tại chỗ gồm: Văn Nam, Hoàng Hòa, Vĩnh Điền. Năm 1977, Khoa Toán tiếp tục giữ lại: Trần Đạo Dõng, Dương Quang Tú, Trương Văn Thương, Trần Đình Quế, Nguyễn Thanh Tiên, Lương Hà và anh Lê Văn Thìn làm Thư ký văn phòng Khoa. Sang năm 1978 lại giữ thêm: Nguyễn Hoàng, Hoàng Tròn, Lê Bá Long, Lê Văn Thuyết, Trần Vui. Bắt đầu từ năm 1978, những sinh hoạt chuyên môn về bồi dưỡng cán bộ trẻ được Khoa Toán quan tâm. Những chuyên đề về “Không gian Topo” và “Lý thuyết nhóm” dành cho toàn bộ cán bộ trẻ được duy trì thường xuyên. Giao thoa văn hóa và toán học Bắc Nam ở trong Khoa cũng xảy ra trong giai đoạn này.
Sau 1979, việc giữ lại cán bộ trẻ vẫn còn duy trì cho đến nay, nhưng số lượng thay đổi tùy theo năm, năm 1979: Lê Văn Hạp, 1980: Lê Anh Vũ, Nguyễn Định, Đào Hữu Ninh, về sau có Phan Thanh Tao, Đoàn Thế Hiếu, Phan Văn Thiện… và khoa cũng đã tuyển dụng những cựu sinh viên ra Trường, đã có kinh nghiệm giảng dạy và làm việc ở các cơ sở giáo dục khác, như Tôn Thất Viễn Tương, Phạm Hữu Anh Ngọc, Nguyễn Ngọc Hải, Cao Huy Linh… và cho đến nay lực lượng cán bộ trẻ được bổ sung, thay thế thường xuyên, trở thành nòng cốt phát triển cho mọi hoạt động của Khoa. Trong 10 năm từ 1980 đến 1990, và kéo dài đến những năm sau, đời sống cán bộ giảng dạy gặp khó khăn, nhiều cán bộ Khoa Toán đã chuyển công tác. Người thì trở lại quê nhà làm giáo viên toán ở Trung học phổ thông, số chuyển vào Đại học Đà Nẵng, Đại học Qui Nhơn và các Đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Lực lượng giảng viên không ngừng được đào tạo và tiếp tục chịu sự lưu chuyển hướng về phía Nam, để lại những “lưu luyến” cho Huế. Đáng tiếc là Huế đã không lưu giữ và cũng không thu hút được những giảng viên tài năng từ những vùng khác đến. Trong phần này, tôi không dự định liệt kê tất cả cán bộ đã làm việc ở Khoa, nên chắc chắn sẽ có nhiều người hoặc nhiều việc thú vị mà tôi bỏ sót không đề cập đến.
Nhìn lại những bước chân đã qua                     
Những trải nghiệm cuộc đời thật phong phú, những chiêm nghiệm đầy ý nghĩa. Cũng đã từng có những luồng gió lạ thổi qua, dấy lên một ít phong trào bề nổi ồn ào một thời, nhưng rồi cũng chìm dần vào quên lãng để lại không gian yên tĩnh cho Khoa, dành cho những phát triển chuyên môn thầm lặng của những giảng viên đại học. Những khó khăn nhọc nhằn của cuộc đời có ảnh hưởng không ít thì nhiều đến sự phát triển của từng giảng viên. Đúng là nếu có rắc rối cuộc đời thì tư tưởng cũng có phần méo mó đi. Chỉ có chương trình đào tạo giáo viên toán theo truyền thống hàn lâm của Pháp và sau này là các nước Đông Âu nặng về kiến thức toán chuyên ngành là ít thay đổi. Với tôi, đó là điều may mắn cho nền Giáo dục toán của Việt Nam, đã chú trọng đến cách dạy những nội dung toán học cụ thể, cái cốt lõi tinh hoa của toán học vẫn được truyền dạy qua nhiều thế hệ sinh viên và rồi lan tỏa đến học sinh các cấp.
Thời sinh viên, bận rộn việc học, không thấy hết những khó khăn đang chờ đợi phía trước của thời bao cấp. Sinh viên sư phạm được cấp học bổng, có sổ gạo để mua theo tiêu chuẩn, có tem phiếu để mua đường, thịt, nước mắm hàng tháng. Mỗi năm được mua một mét vải may quần và hai mét vải may áo. Không đồng phục nhưng sinh viên ăn mặc khá giống nhau vì cùng được cấp một loại vải. Quy định tem phiếu thực phẩm của sinh viên phải tổ chức mua theo đơn vị lớp. May mắn, lớp tôi có anh Hoàng Tròn làm lớp phó đời sống, cùng với người bạn thân thiết là Hoàng My (đã mất cách đây đã lâu), phụ trách việc chăm lo việc mua thực phẩm ở các cửa hàng quốc doanh cho anh em trong lớp, đây là công việc nhọc nhằn thức hôm dậy sớm, cân đong đo đếm tỉ mẫn, phải xếp hàng đợi đến phiên để mua thực phẩm. Những quan tâm của Tròn đã thực sự cải thiện được những bữa ăn sinh viên hàng tháng. Đến năm 1978, ra trường, lương hàng tháng 58 đồng, thì ly cà phê 2 đồng, tô bún 3 đồng trở thành xa xỉ phẩm đối với cán bộ trẻ. Với số tiền lương đó, chỉ phù hợp với hệ thống tem phiếu mua ở các cửa hàng quốc doanh, xếp hàng rồng rắn lên mây từ sáng tinh mơ để đến lượt mình, mà chúng tôi sử dụng cho đến năm 1986. Gặp mặt, tình cảm lắm cũng chỉ dám mời nhau dĩa sắn luộc ở những quán dọc đường Lê Lợi trước khách sạn Century. Dấu tích của những quán sắn luộc chống đói một thời bây giờ không còn nữa, thay vào đó là những quầy hàng lưu niệm, hay những khách sạn, cửa hàng sang trọng.
Không có việc gì làm để kiếm thêm thu nhập, bắt đầu từ những năm 1980, cán bộ trẻ khoa toán dành thời gian để học ngoại ngữ tiếng Anh và tiếng Nga, ôn luyện những bài tập đại số và giải tích theo chương trình thi tuyển nghiên cứu sinh trong và ngoài nước của Bộ. Lúc đầu từng đợt cán bộ được gửi ra học bồi dưỡng sau đại học ở Đại học Sư phạm 1 Hà Nội, sau này làm nghiên cứu sinh ở Viện Toán, Đại học Tổng hợp Hà Nội, và có một số đi học nghiên cứu sinh nước ngoài. Các Thầy ở Hà Nội luôn đánh giá cao tinh thần tôn sư trọng đạo, chăm chỉ học hành và hiền lành của những học trò xứ Huế. Chính thời gian đi học ở Hà nội, đặc biệt được gặp những Thầy ở Viện Toán với tư tưởng thoáng hơn đã tạo cơ hội cho cán bộ trẻ khoa Toán phát triển sau này. Những cơ hội giao lưu quốc tế, dự hội nghị khoa học, các trường hè, khóa học đều bắt đầu từ Viện Toán. Những gương mặt ở Viện Toán gần gũi với khoa Toán thời đó là: Thầy Trần Đức Vân, Phạm Hữu Sách, Đỗ Ngọc Diệp, Ngô Việt Trung, Nguyễn Tự Cường, Đinh Văn Huỳnh, Hoàng Xuân Phú, Nguyễn Đông Yên, Hà Tiến Ngoạn, đã có những nghiên cứu sinh của Khoa Toán trưởng thành từ Viện Toán. 
Còn tôi làm nghiên cứu sinh với Thầy Đỗ Ngọc Diệp, một người Thầy có kiến thức uyên thâm, truyền đạt ý tưởng toán rõ ràng, biết động viên khuyến khích học trò trong quá trình làm toán. Thầy rất gắn bó với việc đào tạo cán bộ của Khoa. Thầy còn có hai học trò ở Huế nữa là Lê Anh Vũ và Trần Đạo Dõng. Sau này Thầy cũng có nhiều dịp trở lại với Khoa Toán để giảng dạy chương trình thạc sĩ. Hướng nghiên cứu chính của Thầy là về giải tích điều hòa liên quan đến các biểu diễn nhóm Lie và đại số Lie. Rất may mắn, đầu năm 1993, Thầy giới thiệu cả ba học trò ở Khoa Toán Huế tham dự Hội thảo Quốc tế về biểu diễn nhóm Lie ở Trieste, Ý, thời gian một tháng. Với tôi đó là thời gian thật tuyệt vời khi lần đầu tiên ra nước ngoài được học trong môi trường làm toán chuyên nghiệp, với các giáo sư giảng bài danh tiếng, kiến thức uyên bác, thư viện hiện đại và cập nhật. Đó là lần đầu tiên tôi được cấp “email account” để liên lạc trên internet. Hai mươi lăm năm trôi qua, nhưng những ký ức lần đầu tiên ra Châu Âu ấy vẫn hiện rõ trong tôi.
Những bước chân xa
Hồi đó đi học ở Hà Nội, nhưng mọi người vẫn có giờ dạy ở Khoa, một năm ra Hà Nội khoảng 6 tháng còn 6 tháng còn lại vẫn giảng dạy bình thường, với những ưu tiên bố trí thời gian phù hợp. Quản lý quỹ phòng học và bố trí giờ lên lớp do thư ký hoặc trợ lý giáo vụ của Khoa đảm trách, nên có nhiều thuận lợi cho người đi học. Những chuyến tàu thống nhất làm gạch nối dài Huế - Hà Nội. Vào những năm 1990, cải tổ giá lương tiền có ảnh hưởng mạnh đến đời sống của cán bộ, nhưng thu nhập của những giảng viên có trình độ thạc sĩ hoặc tiến sĩ ở các trường sư phạm vẫn còn quá thấp. Cuộc sống vẫn khó khăn. Năm 1995, Bộ Giáo dục có những văn bản tuyển giảng viên toán đi làm chuyên gia và giáo viên ở các nước Châu Phi, trong đó có Congo và Angola, yêu cầu ứng viên phải giỏi tiếng Pháp để giảng dạy và giao tiếp. Đồng thời có hai chỉ tiêu tuyển chuyên gia: Toán học và Khoa học Tự nhiên cho Trung tâm Giáo dục ĐNÁ yêu cầu giỏi tiếng Anh. Tôi chọn đi ĐNÁ làm chuyên gia Toán học, mặc dù không hề hình dung trước công việc sẽ làm là gì. Do Huế ở xa Hà Nội, đi lại khó khăn, nên tôi được ưu tiên hẹn phỏng vấn qua điện thoại ở Phòng Hành chính Tổng hợp. Phỏng vấn tiếng Anh qua điện thoại, nghe chữ được chữ mất, trả lời nhanh theo dự đoán những ý chính của câu hỏi, thật may mắn tôi lại được hẹn phỏng vấn trực tiếp bằng tiếng Anh ở Bộ vào sáng hôm sau. Lần phỏng vấn ở Hà Nội chỉ còn lại mình tôi, còn các ứng viên khác đã được phỏng vấn từ mấy hôm trước. Trong thời gian đợi phỏng vấn, ở văn phòng của Vụ Hợp tác Quốc tế, tôi có thời gian đọc lướt qua những thông tin của Trung tâm giáo dục ĐNÁ, chủ yếu là đào tạo giáo viên cốt cán về Toán và Khoa học tự nhiên cho nền giáo dục ĐNÁ. Lần phỏng vấn ở Bộ, xảy ra khá bất ngờ, khi tôi mới gõ cửa bước vào, Thầy Trần Văn Nhung đang là Vụ trưởng, bật một tràng tiếng Anh dài làm tôi chưa kịp định thần, nhưng cũng may là những câu hỏi xã giao thông thường, nên tôi trả lời một cách nhẹ nhàng. Sau đó Thầy mời ngồi, và trao đổi về công việc, đặc biệt là nhiệm vụ chuyên gia Toán đầu tiên mà Bộ cử sang cho ĐNÁ. Tôi trả lời theo những hiểu biết bước đầu của mình về giáo dục toán. Kết quả, tôi được chọn để làm hồ sơ chính thức để đi làm chuyên gia Toán ở ĐNÁ. Đánh dấu một bước ngoặt lớn trong cuộc đời dạy học toán của tôi.
Tháng 9 năm 1995, tôi chính thức làm việc với tư cách là chuyên gia giảng dạy ở Ban Toán, trung tâm GD ĐNÁ (RECSAM), có trụ sở ở Penang, Malaysia. Được trang bị một phòng làm việc riêng, có thư ký và kỹ thuật viên chuẩn bị đồ dùng dạy học và photo bài giảng. Khi đó tôi mới có thời gian tìm hiểu về chương trình đào tạo của trung tâm, cách chuẩn bị bài giảng và thiết kế đồ dùng dạy học. Bài giảng cần chuẩn bị thật trực quan, dễ nắm bắt ý tưởng toán học một cách có ý nghĩa. Vào những năm 1990, các lý thuyết ảnh hưởng lớn việc dạy học toán là: lý thuyết kiến tạo, học hợp tác và giải quyết vấn đề. Khi ở Việt Nam, trong môi trường sư phạm nhưng tôi dường như không biết gì đến những khái niệm này. Cũng may là ở thư viện có nhiều sách cập nhật được viết bởi các tác giả nổi tiếng trong lĩnh vực giáo dục Toán. Phần dạy đầu tiên của tôi liên quan đến “suy diễn và qui nạp trong hoạt động toán học của học sinh THPT” gồm 3 buổi, một buổi hai giờ. Một tuần chỉ dạy một buổi, nên tôi có thời gian đọc và chuẩn bị bài giảng. Lớp học năm đó gồm giáo viên cấp 3 từ 9 nước ĐNÁ, mỗi nước 2 người, trong đó có Việt Nam. Thời gian kéo dài 10 tuần. Nói chung, tiếng Anh của các học viên đến từ Singapore, Philippines rất lưu loát, từ Thailand, Myanmar, Malaysia, Indonesia tốt, còn từ Việt Nam, Lào, Cambodia có lúc gặp khó khăn trong giao tiếp. Tôi chọn tiếp cận dạy toán theo các hoạt động yêu cầu những thao tác bằng tay cụ thể, cần phải quan sát, sắp xếp thông tin để qui nạp sau đó suy diễn. Nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm nên chọn các bài toán hơi khó nặng về nội dung toán lý thuyết nên học viên từ Singapore và Philippines đặt nhiều câu hỏi “tại sao lại như vậy” trong giờ học, vì họ không thích loại toán học “từ trên trời rơi xuống” mà cần phải có ý nghĩa, và quan trọng là chính người học phải tự nắm bắt được. Giải thích những vấn đề đó một cách có cơ sở lý thuyết cần có thời gian thấu hiểu giáo dục toán. Lúc đó tôi chỉ trả lời được một phần về những suy luận toán học liên quan đến bài toán.  Kết thúc 6 giờ dạy của một phần theo chương trình, tôi được học viên đánh giá giáo viên theo mẫu có sẵn tiến hành bởi bộ phận “Nghiên cứu & Phát triển” cung cấp thông tin cho giáo viên và Giám đốc Trung tâm. Rất may mắn, tôi được học viên quý mến và đánh giá từ mức khá trở lên. Trong dự kiến của tôi, nếu học viên đánh giá từ khá trở xuống, mà phần lớn là trung bình tôi sẽ gặp Giám đốc xin nghỉ việc để về lại Việt Nam.
Từ năm 1996, năm nào tôi cũng được đi tu nghiệp về Giáo dục Toán ở các nước: New Zealand, Hà Lan, Pháp, Nhật, Hoa Kỳ… Đó là khoảng thời gian tôi tích lũy được nhiều kiến thức về lý thuyết và thực hành trong giáo dục toán. Được tham gia khảo sát, so sánh đối chiếu chương trình toán từ tiểu học đến trung học ở các nước ĐNÁ, để lên kế hoạch đào tạo giáo viên toán phù hợp. Được dự nhiều giờ lên lớp của những giáo viên toán ở nhiều nước với đối tượng học sinh năng động, biết tự mình đặt những câu hỏi. Chúng tôi thiết lập các trường học phổ thông kết nghĩa với trung tâm RECSAM ở nhiều nước trong khu vực ĐNÁ. Những lớp học lưu động, giảng viên di chuyển trên các chuyến xe chuyên dụng chất đầy đồ dùng dạy học, đi từ nơi này qua nơi khác để đào tạo giáo viên cốt cán, xuyên các nước Singapore, Malaysia, Thailand, Lào. Cũng trong thời gian giảng dạy ở RECSAM tôi có cơ hội làm việc với nhiều giáo viên toán đến từ khu vực ĐNÁ, có những lớp học đặc biệt dành cho giáo viên Nepal, Afghanistan. Sau này khi đi công tác ở nước ngoài, tôi có nhiều lần gặp lại các học viên đã học ở RECSAM giai đoạn 1995-2001. Những trải nghiệm tuyệt vời trong sáu năm làm việc ở nước ngoài, với nhiều văn hóa khác biệt nhưng vẫn hòa hợp về những vấn đề dạy học toán cho học sinh.
Cảm nhận về những bước chân dài
Tôi trở về Việt Nam năm 2001, làm việc ở Khoa Toán. Khi mới về tôi chủ yếu dạy hình học vi phân, tiếng Anh chuyên ngành, và chuyên đề phương pháp dạy học toán cho sinh viên.  Tôi cũng dạy môn giải tích trên đa tạp, nhóm Lie và Đại số Lie cho học viên cao học. Sau này khi chuyên ngành phương pháp dạy học toán có nhiều học viên hơn, và thiếu giảng viên tại chỗ nên tôi chuyển qua dạy nhiều ở chương trình cao học về phương pháp dạy học toán. Những năm đầu thế kỷ 21, nhu cầu đào tạo các lớp ở miền Trung và Nam Bộ tăng lên nhiều. Cán bộ khoa toán tham gia giảng dạy các lớp chính quy Toán ở Đồng Tháp, chuyên tu ở Cao Đẳng Sư phạm TP. Hồ Chí Minh (bây giờ là Đại học Sài Gòn), An Giang, Tây Ninh, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Phú Yên… nhiều loại hình đào tạo nhằm thu hút sinh viên. Rồi những lớp bồi dưỡng giáo viên theo các chu kỳ của Bộ. Với tôi, tham gia vào những chương trình đó là cơ hội gặp gỡ những sinh viên toán, những giáo viên toán ở nhiều vùng miền của đất nước. Việc dạy và học vẫn còn tương đối nghiêm túc đó là người học cần phải học mới có tri thức cần thiết. Những cơ hội để khám phá những vùng đất mới. Và cũng có những lúc tôi lại có cơ hội gặp lại những cựu sinh viên toán Huế trong những bối cảnh thật bất ngờ và nhiều kỷ niệm.
Tôi đã có những chuyến đi xa ở trong cũng như ngoài nước, gặp nhiều người học và dạy toán. Có những bước chân nhọc nhằn lúc đầu nhưng rồi càng đi lại càng hòa quyện vào những bước chân xa vọng về. Đã có nhiều bước chân, ai đó đã đi qua cuộc đời tôi, mà một khi thoáng nhìn lại những gương mặt thân quen lại hiện lên rõ mồn một. Tôi đã có  những may mắn trong cuộc đời vì đã có nhiều bước chân qua. Có những bước chân lướt qua thật nhẹ, đặc biệt là đối với những thế hệ học trò sau này, nhưng trí óc tôi vẫn cố tình lưu giữ lại.
Cũng may mắn là nghề dạy toán gắn liền với người học toán, là những người chân tình, cởi mở và phóng khoáng. Tự chọn cho mình những bước chân âm thầm, lặng lẽ đi về để nuôi dưỡng ý tưởng ở học trò là: “mọi người đều có thể học toán”. Những giáo viên toán nhìn vào mắt học trò để dạy, các em hiểu bài và làm được bài tập là điều đáng quan tâm hơn là những “giáo án vô hồn” dành cho những nhà quản lý (trích lời nói của Thầy Võ Đăng Nam, cựu sinh viên khóa đầu tiên của khoa Toán).
Năm nay tôi bước sang tuổi 60 plus, những ký ức còn đọng lại một thời được ghi nhanh để sau này có quên thì còn có cái để nhắc nhở mình nhớ lại. Vẫn tự nhủ lòng tiếp tục “nối dài bước chân tôi” mỗi khi có thể. Nếu có nhiều thời gian, ghi chép lại chi tiết hơn chắc chắn sẽ còn nhiều chuyện thú vị ở Khoa cần ôn lại để nhớ, để quên. Chúc các thế hệ Thầy Cô, cựu sinh viên và sinh viên khoa Toán luôn kết nối và lưu giữ được những bước chân dài muôn sắc màu của riêng mình.
Huế, tháng 02, 2017
TRẦN VUI, Cựu SV Khóa 1974-1978

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét