Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Ký ức về đội văn nghệ lớp

            Đó là đội văn nghệ lớp mình, lớp Toán khóa 1986 – 1990. Đội văn nghệ lớp mình bốn năm liền đạt giải nhất Hội diễn văn nghệ Khoa Toán. Người có công đầu tiên là lớp phó Văn thể mỹ năm 1, bạn Hoàng Kim Thịnh. Mỗi tuần đến giờ sinh hoạt lớp Thịnh lại tập cho cả lớp các bài hát tập thể thời ấy: Tuổi trẻ thế hệ Bác Hồ, Nối vòng tay lớn, Việt Nam ơi – mùa xuân đến rồi… Rồi trong lớp, ở cư xá (kí túc xá) những bạn biết hát, có giọng hát thường nghêu ngao với nhau. Rồi phát hiện ra một loạt giọng hát nổi bật. Nữ có Thục Hiền, Thùy Linh, Ngọc Lan, Anh Thư, Hồng Hạnh; nam có Thanh Hải, Nguyễn Dũng, Thành Hoàng, Lê Ngọc, Cao Huy Linh… Thế rồi đội văn nghệ lớp được thành lập gồm những nhân tố nổi bật này.

            Ngay lần tham gia Hội diễn văn nghệ Khoa Toán lần đầu tiên, đội văn nghệ lớp mình đã gây bất ngờ giành giải nhất. Hồi đó nghèo lắm, chỉ có lớp phó Kim Thịnh có đàn ghita, còn lại toàn là đàn mượn. Năm đầu tiên dưới sự đạo diễn của lớp phó Kim Thịnh cùng hai nhạc công chủ chốt Thanh Hải, Mạnh Hùng, đội văn nghệ rất tích cực tập luyện. Có thể nói thành công bất ngờ của đội văn nghệ năm nhất là giọng hát đơn của Thục Hiền (nay là giảng viên Học viện Hàng không). Thục Hiền có giọng hát sáng, khỏe và bắt mic. Một loạt các bài hát thành công ở các kì Hội diễn gắn với tên tuổi Thục Hiền: Đất nước, Giai điệu Tổ quốc, Ngôi sao cô đơn, Lời tỏ tình của mùa xuân, Chuyện tình của biển… Sau đó Thục Hiền được chọn vào đội văn nghệ xung kích của trường tham dự liên hoan tiếng hát sinh viên toàn quốc tại Thành phố Hồ Chí Minh.
            Năm hai và năm ba, Thanh Hải (nay là Trưởng phòng giáo dục huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai) cây đàn ghita chủ lực của đội văn nghệ được bầu làm lớp phó văn thể mỹ thay Kim Thịnh. Thanh Hải có máu văn nghệ tràn đầy trong người. Hễ cứ cầm được cây ghita trên tay là Thanh Hải gầy ngay được một đám hát. Hải tự học đàn nhưng tiếng đàn của Hải rất điêu luyện. Hải còn sáng tác một bài hát để các bạn nữ hát tốp ca, lời bài hát vui tươi, giai điệu rộn ràng: Vui sao mùa xuân về đó em ơi, hoa xuân hé cười cho đời duyên dáng… Tốp ca nữ của lớp cũng thể hiện thành công bài hát này. Hải có giọng hát cũng tuyệt vời. Đại ca Quang Tạnh, lớp trưởng hồi năm nhất từng nhận xét “con trai lớp mình giọng hát có thể đi thi được chỉ có Thanh Hải”. Nhưng do nắm giữ vị trí quan trọng trong đội văn nghệ lớp nên Hải chủ yếu hát bè cho các bạn khác hay hát tốp ca, nhường cơ hội thể hiện cho các thành viên khác.
            Sau khi đội văn nghệ lớp mình tiếp tục đạt giải nhất Hội diễn văn nghệ khoa hồi năm hai, Khoa Toán đã cử đội văn nghệ lớp mình tham gia giao lưu với đơn vị bộ đội biên phòng kết nghĩa ở Cửa Tùng. Năm ấy thầy Hoàng Tròn chủ nhiệm lớp mình, thầy cũng rất yêu văn nghệ (thầy thổi sáo rất hay) nên đốc thúc tụi mình tập luyện đến nơi đến chốn. Mình vẫn còn nhớ vì đi diễn giao lưu với đơn vị bộ đội nên một loạt bài hát về người lính được tụi mình tập nghiêm túc và khá nhiều: đồng ca Cây đàn ghita của đại đội 3, Nguyễn Dũng với Vết chân tròn trên cát, Thành Hoàng với Hát về anh, Lê Ngọc với Mùa xuân bên cửa sổ, Thục Hiền với Đất nước và Giai điệu Tổ quốc… Để làm phong phú hơn chương trình văn nghệ giao lưu, thầy Tròn đề nghị đội văn nghệ tập thêm những tiết mục khác ngoài hát. Vậy là Nguyễn Dũng nghĩ ra một tiểu phẩm hoạt cảnh bài hát vui về các anh lính, gây cười nhất là câu hát của Thành Hoàng đóng vai sĩ quan hỏi Nguyễn Dũng (nay là cán bộ của VNPT Đà Nẵng) đóng vai chiến sĩ: “đau gì mà mới hôm qua, la cà ở S I A?” Nhiều bạn đã cười rất vui khi biết “S I A” là gì.
            Trong chương trình diễn giao lưu này, Anh Thư đã lần đầu tiên làm biên đạo múa, điệu múa vui nhộn, trẻ trung trên nền nhạc bài hát mang tên Chiều thứ bảy. Điệu múa gồm ba đôi nam nữ. Nữ có Hồng Hạnh, Thục Hiền, Anh Thư; nam có Nguyễn Dũng, Mạnh Hùng và Lê Ngọc; ba đôi rất đều và cân đối về chiều cao, ngoại hình. Mình biết hát nhưng không có năng khiếu múa, nên có một kỉ niệm với mình về điệu múa này. Đó là một lần đội văn nghệ tập, thầy Đoàn Thế Hiếu (được Khoa phân công phụ trách chương trình văn nghệ giao lưu) lên theo dõi tụi mình tập. Đến lúc tập múa, không hiểu sao mình đi các bước toàn bị sai, làm thầy Hiếu bực quá phải nổi nóng: “cậu Ngọc này, tập mãi không được, còn sai nữa tôi đổi người khác bây giờ”. Hú vía, sau đó mình tập đúng nên không bị thay. Nhưng thực ra chẳng có ai để thay mình, vì các bạn nam trong đội hoặc cao quá hoặc thấp quá sẽ không hợp với nhóm múa. Tiếp bước bài múa này, năm ba và năm tư tiết mục múa của lớp mình luôn giành giải nhất múa ở hội diễn Khoa, được chọn diễn ở Hội diễn Trường và được biểu diễn báo cáo trong buổi tổng kết. Đó là bài múa Chàm Rông hồi năm ba, bài múa Những bông hoa trong vườn Bác hồi năm tư do Hồng Hạnh (nay là giảng viên trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải). Các bạn nữ trong nhóm múa lớp mình đánh tan nhận xét con gái Khoa Toán khô khan.
            Kỉ niệm đáng nhớ nhất là hồi tụi mình học năm tư. Đội văn nghệ lớp Toán 4 mình lúc đó đã già rồi mà đội văn nghệ các lớp Toán 3, Toán 1A, Toán 1B rất mạnh. Năm đó Ngọc Lan được bầu làm lớp phó văn thể mỹ thay Thanh Hải dù mới nhận nhiệm vụ nhưng với sự góp sức của Thanh Hải và của mình (là ủy viên BCH chi đoàn lớp) đội văn nghệ lớp mình vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Năm ấy lớp mình có ba tiết mục được Khoa chọn đi Hội diễn cấp trường: đơn ca của Thục Hiền, múa Những bông hoa trong vườn Bác của tốp nữ và tốp ca nam Bài ca người lính. Rất tiếc năm ấy Thanh Hải đăng kí đơn ca Bài ca tạm biệt, dự định hát trước khi diễn vở kịch kết thúc, nhưng do thời gian đã gần hết, nếu Hải hát thì vở kịch ngắn Dân thường không tiếp khi diễn sẽ vượt quá thời gian qui định của Ban Tổ chức, không được chấm điểm chương trình, vì thế Hải đành phải vì thành tích chung của đội, không hát đơn ca để đội diễn đủ các thể loại hát – múa – kịch nhằm đạt điểm cao.

Tốp ca nam Toán 4, tháng 1 năm 1990, từ trái sang: Cao Huy Linh, Trần Trung Thành (đã mất), Nguyễn Thanh Trung, Nguyễn Dũng, Lê Ngọc, Nguyễn Văn Lộc

            Một trong những thế mạnh của đội văn nghệ lớp mình là giọng hát khỏe và yêu ca hát. Nam với trụ cột là Nguyễn Dũng, Lê Ngọc, Cao Huy Linh…, nữ với các giọng ca chính Thục Hiền, Thùy Linh, Ngọc Lan, Anh Thư nên cho dù đã 30 năm trôi qua, giai điệu bài hát Cây đàn ghita của đại đội 3 vẫn gắn liền với tụi mình. Tụi mình cũng không thể quên việc đặt nickname cho Mạnh Hùng (nay là hiệu trưởng trường Phổ thông DTNT tỉnh Quảng Trị) là Hùng bass bởi Mạnh Hùng chính là tay ghita bass của đội trong bốn năm. Tụi mình cũng vẫn nhớ tiết mục tốp ca nữ Ơi cuộc sống mến thương hồi năm ba được chọn biểu diễn trong Hội diễn cấp trường và biểu diễn trong báo cáo tổng kết. Hồi ấy trên sân khấu chỉ có hai cái micro nên các bạn không ai cầm micro mà gắn trên hai cây. Các bạn vừa hát vừa nhảy. Những câu đầu tiên miệng các ca sĩ còn gần micro; nhưng những bước nhảy tiếp theo làm khoảng cách ấy cứ xa dần; đến cuối bài thì ca sĩ đã ở khá xa micro; dù vậy tốp nữ vẫn hoàn thành bài hát. Cho đến bây giờ, những bài hát tốp ca ấy: Hạt mưa long lanh, Hát trên nông trường xanh, Cám ơn mùa thu, Như những nốt nhạc xanh, Hát mãi khúc quân hành… vẫn là những kỉ niệm đẹp in sâu trong đời sinh viên lớp Toán khóa 1986 – 1990 của tụi mình. Giờ đây, sau hơn ba mươi năm kể từ ngày là sinh viên Khoa Toán, Đại học sư phạm Huế, lâu lâu mình mới gặp được một vài bạn, ngồi nói chuyện vẫn mong có một ngày được ngồi trên tầng ba, dãy G tòa nhà Y2 ở số 34 Lê Lợi, Huế để hát nghêu ngao những bài hát thời sinh viên…
Lê Ngọc
Cựu sinh viên Khóa 1986-1990
(Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét