Thứ Bảy, 11 tháng 2, 2017

Những kí ức chẳng liên tục đều


Đã lâu lắm rồi tôi chẳng ghé về Trường Đại học Sư phạm Huế, chẳng đến với dãy nhà 3 tầng nơi gắn liền với biết bao kỉ niệm của một thời làm sinh viên Khoa Toán. Kỉ niệm, bao giờ cũng đẹp như vườn cổ tích, cũng trong như giọt sương trên đầu ngọn lá...
Về với ngôi trường cũ, về với những kí ức xa xăm, những kí ức đôi khi chỉ còn thấp thoảng ẩn hiện, rời rạc, chắp nối và chỉ đủ để gặm nhấm trong tim mà chẳng dám nói thành lời vì ngỡ rằng, chỉ cần cất lên thật khẽ thôi cũng đủ làm chúng tan biến mất. Thế nhưng, những kí ức ấy thật ra đã in sâu một cách nhiệm mầu vào tâm trí của ta.
Về với ngôi trường cũ, về với những nỗi nhớ thầy cô, những người nghiêm khắc, những người dịu dàng. Dù người còn, người mất nhưng đâu đó trong từng góc nhỏ của ngôi trường và trong trái tim ta, dấu ấn của thầy cô vẫn chẳng thể nhạt nhòa. Với thầy cô, ta bao giờ cũng là con trẻ. Nói với thầy cô luôn luôn được miễn phí, còn nói với cuộc đời, đôi khi ta phải trả một cái giá rất đắt.
Về với ngôi trường cũ để đến với Khoa Toán, ngôi nhà chung của rất nhiều người Thầy, người Cô dạy toán không chỉ xứ Huế mà còn là cả Miền Trung này.

Tôi đậu vào ngành Toán, Đại học Sư phạm Huế năm 2006, trong một quyết định tự nguyện, mang trong mình ước mơ cháy bỏng trở thành một người thầy để có thể truyền tải những kiến thức toán học “khô khan” đến các em học sinh một cách chính xác mà lại dễ hiểu và vui tươi nhất. Và may mắn thay, nơi ngôi nhà toán học này, tôi đã được hun đúc, tạo nên nền móng để tôi xây nên ngôi nhà mơ ước tương lai.
Tôi và các bạn lớp Toán B, cho đến bây giờ vẫn thường nói với nhau rằng, chúng ta thật may mắn khi gặp được những người Thầy ở Khoa Toán. Các Thầy không chỉ truyền đạt cho chúng tôi những kiến thức toán học vững chắc mà còn là những người thầy mẫu mực về đạo đức. Các Thầy là tấm gương sư phạm sáng ngời để chúng tôi học theo. Và chúng tôi càng hiểu hơn thế nào là giáo dục thông qua hành động, đem chính nhân cách sống của mình làm bài học thực tiễn sống động cho học sinh.
Học với một quý Thầy nào đó, tôi hiểu ra rằng, không phải là học hết tất cả mọi thứ của họ, mà chỉ cần học được một thứ thôi, rồi bằng những phép biến hình qua tâm và trí, cái “một thứ” học được đó trở thành của mình, để mà vận dụng vào cuộc sống và công việc.
Tôi vẫn nhớ những giờ Giải tích của thầy Lương Hà. Nét chữ, phong thái đi lại trên bục giảng, và ngay cả cách lau bảng của thầy đều là mẫu mực sư phạm để chúng tôi noi theo và áp dụng đến bây giờ. Một câu nói của thầy mà tôi hằng nhớ đó là “những suy luận có lí thì chưa chắc đúng, ông Polya có viết một cuốn sách tựa tựa như vậy, các anh chị cố gắng tìm đọc”. Theo lời thầy, tôi đã tìm cuốn sách ấy và đúng thay đó là một cuốn sách mẫu mực về logic và sư phạm mà tôi thiết nghĩ mọi sinh viên Sư phạm Toán đều cần phải đọc!
Tôi vẫn nhớ khi học về phương pháp dạy học Hình học, thầy Hoàng Tròn luôn nhắc rằng, để giải bài toán hình học trong quan hệ vuông góc, thì quan trọng nhất là phải tìm được “đường thẳng đứng”. Chính cái “đường thẳng đứng” ấy là chìa khóa mà tôi vẫn thường dùng để mở biết bao ổ khóa vốn khóa chặt “tủ hình học” trong đầu nhiều thế hệ học sinh.
Tôi nhớ về Thầy Lê Văn Liêm với công thức sin2x+cos2x=1. Thầy nói, các em dạy cho học sinh công thức này xong thì đặt câu hỏi “sin22x+cos22x bằng mấy?” để kiểm tra xem học sinh đã hiểu công thức hay chưa.
Tôi nhớ về những giờ Độ đo của thầy Lê Văn Hạp và Giải tích hàm của thầy Trương Văn Thương. “Độ đo chưa qua Giải tích hàm đã tới” là câu nói vui mà chúng tôi vẫn thường dùng để diễn tả hai “khổ nạn” trong Giải tích. Có lẽ các thầy cũng biết rằng đây vốn là các môn khó nuốt của sinh viên nên lúc nào cũng ân cần giảng giải, tận tình chỉ dạy.
Tôi nhớ về những giờ Nhập môn Toán cao cấp của thầy Văn Nam, môn học giúp chúng tôi biết vì sao một cộng một lại bằng hai! Rồi những giờ Đại số trừu tượng của thầy Nguyễn Xuân Tuyến, thầy Lê Văn Thuyết, và cả những giờ Đại số tuyến tính và Hình học thót tim của thầy Đoàn Thế Hiếu, thầy Cao Huy Linh. Nhờ thót tim vậy đó mà chúng tôi có thể hiểu được bản chất của hình học giải tích phổ thông, để ma trận không còn đáng sợ như … ma nữa, để những “trường vectơ” vẫn theo chúng tôi đến bây giờ.
Không chỉ may mắn được học với những Thầy lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm và là những nhà sư phạm mẫu mực, chúng tôi còn được học với những người Thầy trẻ hơn, như thầy Trần Dũng, thầy Trần Kiêm Minh, thầy Nguyễn Văn Hạnh, thầy Trần Quân Kỳ, cô Nguyễn Thị Tân An,… Những giờ học ấy, thông qua những lời giảng và cả những câu chuyện cười mang đậm “tính toán học”, chúng tôi cảm nhận được những năng lượng tươi trẻ và nhiệt huyết của các Thầy, tất cả trở thành những điều ấy trở thành động lực cho sinh viên chúng tôi khi trở thành những giáo viên trẻ sau này.
Kỉ niệm về những người Thầy khoa Toán luôn là một phần kí ức đẹp đẽ của thời sinh viên chúng tôi. Những kỉ niệm ấy cùng với những kiến thức toán học các Thầy đã truyền trao, giờ đây, trở thành những chất liệu giúp tôi xây nên những trang giáo án trước mỗi giờ lên lớp.
Những kỉ niệm về một thời sinh viên khoa Toán trong tôi còn là những kỉ niệm về các bạn đồng môn. Lớp Toán B chúng tôi có trên dưới 60 thành viên. Tôi nói là “trên dưới sáu mươi” tại vì sĩ số của các lớp Toán, có lẽ “người trong nghề” ai cũng hiểu, biến động liên tục và khó lường sau mỗi kì thi! Có những kì thi, sau mỗi lần xem điểm môn X, cả lớp hân hoan sung sướng, nhưng đến điểm môn Y thì rũ rượi buồn đau. Những cú thót tim khi đưa mắt rà điểm của mình trên bảng thông báo! Dù “qua” hay không, dù điểm cao hay thấp, tôi biết rằng, ai cũng đã rất nỗ lực cho một kì thi đầy thách thức, cam go.
Bắt đầu cho mỗi kì thi ấy là đống tài liệu cao ngút ngàn đến từ lớp phó học tập Phương Chi, một lớp phó tận tình và luôn tràn đầy năng lượng yêu thương. Cứ ai trong lớp có tài liệu gì đều giao phó cho nàng, hôm sau sẽ xuất hiện một chồng giấy ngất ngưỡng trên bàn cho các thành viên trong lớp.
Nỗi niềm lo lắng cho các kì thi ấy rồi cũng đã đi qua, và cứ như vậy, chúng tôi dần dần trở thành những người thầy, người cô mang trong mình những hoài bão, ước mơ cho dù biết rằng tương lai sẽ có nhiều biến động. Ra trường, hầu hết các bạn đã tìm được nơi công tác, cũng có nhiều bạn chuyển qua các ngành khác nhưng tôi tin chắc rằng những kí ức của một thời sinh viên khoa Toán luôn là một phần trong hành trình của tất cả mọi người.
Sáu năm sau ngày ra trường, nói như nhạc sĩ Anh Bằng là “bạn bè của ta mỗi đứa tha phương một nơi”, nhưng mỗi lần gặp nhau, những câu chuyện về một thời sinh viên vẫn luôn được nhắc đến và làm sống lại những mảng kí ức đẹp đẽ và thân thương. Đó là những câu chuyện về cựu lớp trưởng Tuấn Minh (chỉ học lớp với một học kì), về bí thư và cựu bí thư Nguyễn Tý, Chí Thìn; về những nhóm học tập có, ăn chơi có như nhóm Minh Khai, Đoan Thục, Sáu-Thọ… 

Hôm nay nhận được tin nhắn của Thầy Trưởng khoa về việc viết bài cho tập san Kí ức 60 năm Khoa Toán, trong tôi bỗng nhiên tràn về những mảng kỉ niệm của một thời “học nghề, học nghiệp”. Chúng tôi cảm thấy tự hào vì mình là một phần nhỏ của hành trình lớn 60 năm ấy, cảm thấy vui lạ lùng vì được là một phần của những kí ức thân thương, những kí ức của “một thời hoa bướm ngày thơ, vang trong nỗi niềm nhung nhớ, có ai đi thương về trường xưa?”

TRẦN QUANG THẠNH, cựu sinh viên Khóa 2006 - 2010.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét