Thứ Tư, 18 tháng 1, 2017

Trường cũ tình thơ

MỘT
Trên tầng cao của nhà khách, gió tháng ba nhẹ nhàng mơn man da thịt, Thùy thư thả ngắm không gian thành phố, những con đường, những dãy phố được làm mới. Gần 30 năm mới quay về đây, cảnh vật quanh ngôi trường Đại học Sư phạm có nhiều thay đổi, nhà cao tầng, cửa hiệu mọc lên san sát. Thời gian thì vẫn trôi nhưng giòng sông Hương và chiếc cầu Trường Tiền vẫn mãi như thưở nào.
Chiều qua, khi ra đứng ở tiền sảnh trước dãy nhà Y2 để tìm lại một chút kỷ niệm của thời đi học, Thùy gặp thầy Dương cùng với vài thầy cô trẻ từ cầu thang xoắn ốc đi xuống. Thầy không thay đổi gì mấy, chỉ mái tóc nhuốm bạc. Có lẽ đã đến tuổi về hưu nhưng dáng trông còn khỏe. Như một phản xạ, Thùy vòng tay chào thầy. Thầy cũng nhận ra ngay và bảo:
- Ôi chà, Thùy đây em. Lâu ngày quá. Về dự hội khoa, hội trường được là giỏi lắm. Khỏe chứ, cuộc sống, gia đình tốt đẹp cả phải không?
Thùy cảm thấy rất vui, pha chút ngạc nhiên:
- Dạ. Em mừng lắm. Rất lâu rồi, thầy vẫn còn nhận ra được em. Em khỏe thầy ạ. Em cũng bằng lòng với cuộc sống hiện nay.
Thầy Dương cười khà khà:
- Ừ, trí nhớ thầy vẫn còn tốt mà em lại ít thay đổi. Hơn nữa, em là một sinh viên đặc biệt nên thầy cũng khó quên. Rất vui khi biết em có cuộc sống hạnh phúc.
Mắt, miệng Thùy ánh lên nét tinh nghịch, hỏi vặn thầy:
- Sao thầy ơi! Em là sinh viên cá biệt hở? Nhớ hồi đó em học cũng tạm được thôi, đâu phải thuộc loại xuất sắc để thầy nhớ.
Thầy Dương đưa 2 tay ra như đang diễn thuyết, giọng nói như vừa trêu đùa, vừa ngạc nhiên:
- Sao chỉ là cá biệt? Trên cả cá biệt nhé. Em nên biết rằng, ngày trước thầy và thầy Đức là bạn thân với nhau đấy. Hơn nữa, năm thứ ba thầy làm chủ nhiệm lớp em nên chuyện gì mà thầy chẳng biết.
Đang nói cười rôm rả, bỗng dưng Thùy chùng lại như bị bắt nọn, giọng trầm xuống.
- Dạ, em nhớ chứ. Hình như thầy ấy đã chuyển vào dạy trong nam rồi, phải không thầy.
- Ừ, thầy Đức chuyển vào đó cũng tám chín năm gì rồi. Đợt kỷ niệm 55 năm, thầy có về dự hội. Lần 60 năm này có lẽ thầy bận nên không về được.
Phút chốc, thái độ của Thùy trở lại bình thường. Em tò mò hỏi:
- Vừa rồi thầy bảo em là sinh viên trên cả cá biệt, em thắc mắc lắm.
Thầy Dương cười
- À, chuyện như thế này. Bây giờ thầy trò mình cũng đã già, nhắc lại chuyện xưa nhé, chỉ để cho vui. Hồi ấy, nhiều lần thầy Đức san sẻ tâm sự với thầy. Đại khái, chuyện thầy Đức theo đuổi em suốt mấy năm, yêu đơn phương và những thái độ của em đối với thầy cùng những nỗi buồn đau mà thầy chịu đựng. Đặc biệt giai đoạn em sắp tốt nghiệp và sau đó về quê cũng là quãng thời gian thầy Đức sầu não, thê lương lắm.
Bất chợt Thùy ngó ra xa xa, dường như để trấn tĩnh rồi chống chế:
- Dạ thầy, em không rõ lắm thầy ạ. Cuối năm tư, chuyện bài vở học hành rồi thi tốt nghiệp khá căng thẳng. Rồi thêm hoàn cảnh gia đình làm em phần nào thiếu đồng cảm với sự quan tâm của thầy ấy. Cũng biết em có lỗi với thầy Đức nhưng không biết đã làm thầy ấy phiền muộn nhiều đến thế. Thưa thầy, sau đó thầy Đức vẫn ổn chứ.
- Tất nhiên. Ai chẳng đôi lần thất tình. Nhưng rồi phải vươn lên, tìm nghị lực để sống, học tập và làm việc. Có điều, đối với thầy Đức, có lẽ vì là mối tình đầu, không thể xóa nhòa ký ức thành trang giấy trắng được nên anh ta vẫn luôn nhớ về nó nhất là khi nhắc lại quãng thời gian còn trẻ. Thầy nhớ, hôm về dự kỷ niệm 55 năm, thầy ấy chắc cũng trông đợi cố nhân và thoáng buồn vì có hỏi mấy bạn lớp em, biết là em không về được. Nay em có mặt ở đây thì thầy vắng mặt, như trò trốn tìm, oái ăm nhỉ!
Thùy ngần ngừ, chưa kịp trả lời thì các anh chị khóa trước kéo đến bên thầy tíu tít chuyện trò. Thùy thấy không tiện nên chào tạm biệt thầy.
HAI
Bữa tiệc liên hoan chia tay với lớp trôi qua thật nhanh cho dù đã kéo dài hết cả buổi chiều. Lên chuyến tàu tối về lại nhà, những tình cảm, những kỷ niệm, những hồi ức đan xen khiến Thùy trăn qua trở lại trên chiếc giường tầng hẹp. Tàu chạy xình xịch, trong khoang mọi người đều ngủ, kể cả cô bạn thân cùng về dự lễ đã lim dim. Và những trang chuyện cũ lần lượt mở ra.
Vào năm thứ hai, thầy Đức vừa làm chủ nhiệm vừa giảng dạy. Thầy đang còn rất trẻ mà dáng thì nghiêm nghị quá. Dù nhiệt tình giảng bài, nhưng do môn học Cơ sở giải tích khó quá đối với sinh viên; thầy càng giảng thì vấn đề càng phức tạp; bài tập lại khó, không thể áp dụng công thức hay bài mẫu nên phần lớn các bạn trong lớp đều sợ. Thùy cũng không là ngoại lệ nhưng rất cố gắng. Trong lớp chăm chú nghe lời thầy giảng, thỉnh thoảng chỉ dám hỏi vài điểm chưa rõ. Dường như thầy cũng có cảm tình riêng với cô học trò này nhưng chỉ khi giữa hai người mới thấy thầy biểu lộ, còn trên lớp thấy không có sự ưu ái gì đặc biệt. Đến năm thứ ba, sự quan tâm của thầy thể hiện rõ hơn; một vài bạn trong lớp tinh ý đã nhận ra nhưng Thùy thật thơ ngây, chỉ nghĩ đến tình thầy trò bình thường. Ngọc Lan, bạn với Thùy khá lém lĩnh, muốn tranh thủ nên hay rủ Thùy đến chỗ thầy ở để hỏi bài, có khi mục đích là dò la đề thi. Thùy vốn ngại, còn Ngọc Lan thì huỵch toẹt ra:
- Thầy mến mày thì đến chơi với tao, để tao hỏi thầy mấy bài tập khó, chưa hiểu.
Chiều bạn, Thùy cùng Ngọc Lan đến. Lúc nào gặp thầy, thầy cũng rất nhiệt tình. Thường chuyện trò bâng quơ một lúc, Ngọc Lan đưa ra hỏi mấy bài tập, thầy giải đáp chu đáo. Tuy nhiên, có lần Ngọc Lan hỏi kiểu gợi ý:
- Đề thi có tương tự như các bài này không thầy?
Thầy hơi nghiêm nét mặt và trả lời:
- Mình không biết. Hơn nữa như đã nói ở lớp, mình giải đáp những vấn đề, những bài toán mà các bạn hỏi. Các bạn nhớ học vì kiến thức là chính chứ không chỉ là điểm thi nhé.
Tóm lại, không có thông tin nào về đề thi được biết. Và kết quả là Ngọc Lan sém trượt môn lý thuyết độ đo vì cứ đoán già, đoán non. Thùy thì chịu khó cày cuốc nên đạt điểm khá. Ngọc Lan không ngớt ta thán:
- Ông thầy Đức quá quắt lắm. Có tình cảm với người ta mà không galant với bạn chút nào.
Thâm tâm, Thùy không đồng ý với Ngọc Lan nhưng cũng không phản đối. Bởi Thùy cũng hiểu và tôn trọng tính cách của thầy, luôn công bằng, trung thực và yêu cầu cao đối với học trò. Có nhiều lần Thùy ngồi học, làm bài tập và gần như muốn khóc vì khó quá, cố mấy vẫn chưa giải được. Muốn đến hỏi thầy nhưng sợ thầy, sợ bạn hiểu nhầm,vả lại lòng tự ái cao hơn rồi cuối cùng Thùy cũng đánh vật xong. Được hiểu bài, có kiến thức nhưng trả giá bằng thời gian nhiều lắm. Các bạn khoa khác đang dung dăng dung dẻ ngoài công viên, trên cầu Trường Tiền trong nắng vàng đẹp như lụa, còn Thùy chôn chân ở cái thư viện này.
Từ giữa học kỳ 1 năm thứ tư, thầy Đức coi bộ “tấn công” Thùy nhiều hơn. Bây giờ thầy không dạy, không làm chủ nhiệm lớp Thùy nữa nên không ngại người khác bàn tán, dị nghị. Những chiều thứ bảy hoặc chủ nhật, thế nào thầy cũng ghé cư xá. Bạn cùng phòng khá tế nhị. Thường chúng ngồi chuyện trò với thầy dăm mười phút, ăn vài thứ quà vặt thầy mang tới rồi sau đó lảng dần đi. Còn lại với Thùy, hầu như lúc nào vẻ mặt thầy ngượng ngùng, cử chỉ lúng túng. Chả bù lúc thầy lên lớp, họp chủ nhiệm, mặt thầy nghiêm trang, giọng nói oai phong.
Thầy khá kỳ công. Biết Thùy thích đọc truyện, thơ văn, thầy đã chép tay gần như trọn tập Thơ dâng của Tagore bằng thứ mực xạ màu đen; những bản tình ca với những giòng kẻ, nốt nhạc đẹp như in đến tặng Thùy. Nhiều lần như thế khiến Thùy bối rối quá. Không nhận quà sợ thầy buồn và không biết từ chối cách sao; nhận thì có cảm giác như đang mắc nợ thầy, biết lấy gì mà trả. Thùy không phải là kẻ vô tình hởi ai, vẫn biết sự cảm mến thầy dành cho mình và sâu thẳm trong tâm hồn, Thùy cũng biết rung động, mong chờ đến những chiều chủ nhật hay thứ bảy ấy. Năm thứ tư rồi, còn gì. Không ít bạn từng giở giọng soi mói, ghen tị bóng gió với Thùy.
Những lúc tâm trạng có nhiều dằn vặt, xáo động Thùy thường đem thư nhà đọc để trấn tĩnh lại. Gia đình của Thùy lúc ấy vốn không ổn định. Bố vốn là một sĩ quan cấp úy của lính Sài Gòn, học tập cải tạo mấy năm, sau đó về nhà làm đủ việc linh tinh để nuôi gia đình. Mấy năm qua, cả nhà tiến hành các thủ tục xuất cảnh dạng HO. Thùy là con đầu, còn ba đứa em đang học bậc phổ thông. Mẹ Thùy, vốn là cô thôn nữ xinh xắn ngày trước, được ba Thùy một lần về phép, ngỏ lời yêu thương và xin cưới. Do vậy, bà ít ra thành phố, cái gì cũng hay lo sợ. Thời gian ba Thùy đi học tập, hầu như việc gì bà đều hỏi ý kiến của Thùy và Thùy đóng vai trò quan trọng dù chưa phải là đã trưởng thành.
Khi cả nhà bàn chuyện xuất cảnh, ba Thùy thì rất dứt khoát, quyết tâm. Riêng mẹ Thùy thì không khỏi băn khoăn. Bà nghĩ đến một xứ sở lạ lùng, tiếng tăm không biết, không người quen thân, con cái chưa trưởng thành nên lo âu nhiều. Tuy nhiên phần nào bà cảm thấy yên tâm khi có Thùy đang học đại học, tự lo liệu cuộc sống, có hiểu biết và luôn luôn bảo vệ, che chở mẹ. Biết vậy, bà thường nói gần, nói xa:
- Con ra ngoài Huế, lo việc học cho giỏi. Đừng để chuyện tình cảm, trai gái ảnh hưởng việc học của mình. Mấy đứa em luôn trông chờ vào con đó.
Có khi bà cũng nói thẳng ra luôn. Trong một lần nói chuyện về tương lai, có đông đủ cả nhà, bà thở dài:
- Nếu con Thùy mà lấy chồng, ở lại đây thì tui e cũng không xuất cảnh luôn. Qua bển, tui không biết bám víu vào ai.
Ba Thùy ngắt lời ngay:
- Bà thì lúc nào cũng bàn lui. Có tui đây, không lo được cho bà hay sao?
Mẹ Thùy rưng rức:
- Ông thì lúc nào cũng lo chuyện lớn, có để ý chi đến chuyện trong nhà đâu. Gạo còn hay hết, tiền áo quần sách vở của con cũng chẳng hay, ngay chuyện đưa con nhập học ông cũng bảo chuyện vặt. Nếu không có con Thùy, tui biết xoay xở làm sao?
Những lúc như thế này, Thùy thấy thương mẹ vô cùng. Ba Thùy không phải người xấu nhưng ông có vẻ vô tâm với sinh hoạt đời thường. Làm được đồng nào đều mang về đưa cho vợ nhưng ông nào biết đủ thiếu ra sao trong thời buổi gạo châu, củi quế này. Mẹ thì học hành không được nhiều, lấy chồng tương đối sớm, có biết lo toan công việc gì đâu. Ngay hồi Thùy mới tách khỏi nhà ít ngày, ra Huế học đại học thì ở nhà bà vô cùng vất vả xoay xở với những hồ sơ, bản sao khai sinh, hộ khẩu để nhập học cho thằng út vào trường cấp 2 vì mấy lần trước một tay Thùy lo toan.
Hoàn cảnh đưa đẩy khiến Thùy trở nên năng nổ, chịu khó trong nhiều công việc. Lớp không nhầm khi bầu Thùy làm lớp phó phụ trách đời sống. Do tính cách nhanh nhẹn, hòa đồng, có nhiều bạn trai lớp trên và khoa khác quan tâm nhưng Thùy thẳng thắn xác định thái độ ngay từ đầu. Với họ chỉ thuần túy bạn bè, có thể thân, sơ nhưng không để tình cảm lứa đôi xen vào. Các bạn trai cũng biết được vị trí của mình trong tâm hồn Thùy nên không tiến xa thêm. Chỉ có thầy Đức, một phần kính nể thầy, phần khác trong sâu thẳm tâm hồn, Thùy thật sự cảm mến thầy nên không dễ dửng dưng như đối với các bạn khác. Tuy nhiên, lý trí cộng với tình cảm gia đình lại mạnh hơn. Nguyên do một phần, thường trong thư của ba gởi ra, hỏi thăm chuyện học hành, sức khỏe, lúc nào cũng có thòng vài giòng của mẹ, đại khái:
- Con giữ gìn sức khỏe, chăm học hành cho giỏi, xong tốt nghiệp vào mà góp tay với má giúp cho mấy em đang còn dại lắm nghe.
Nhìn những nét chữ thô vụng, gửi gắm kỳ vọng của mẹ, Thùy chưa thể hình dung mình sẽ lấy chồng, lập nghiệp nơi xa như thế nào. Do vậy, những suy nghĩ về hạnh phúc cá nhân, tình yêu trong thời sinh viên của Thùy là những thứ xa xỉ, xa vời.
Hôm sắp làm lễ tốt nghiệp, rời trường, thầy Đức khẩn khoản mong được gặp riêng Thùy để nói hết những điều muốn nói. Hai người ngồi trên chiếc ghế đá trước dãy G của nhà Y2, dưới bóng cây hoàng hậu trong buổi chiều muộn. Phần lớn sinh viên đã nghỉ hè, còn lại những bạn năm cuối đang chờ nhận bằng tốt nghiệp. Sân trường trống vắng hơn, cơn gió nam đầu mùa thổi tung, làm xoay tròn những chiếc là khô như đùa giỡn ai đó.
Bằng một giọng trầm, hơi run, Đức kể lại những rung động, những cảm xúc ban đầu khi gặp Thùy điều hành buổi lao động của lớp. Dáng người thoăn thoắt, miệng nói, tay làm cùng các bạn khác hoàn thành nhanh chóng việc dọn vệ sinh lớp học. Đôi mắt sáng, vầng trán lấm tấm mồ hôi và tóc cột thành 2 bím đã thu hút sự chú ý của Đức. Về sau, trong những giờ dạy, mỗi lần gặp ánh mắt Thùy chăm chú theo dõi bài, Đức cảm nhận một niềm vui rất riêng. Cho nên, Đức soạn bài cẩn thận, chu đáo hơn, truyền tải không chỉ nội dung bài học mà còn thông qua vài mẩu chuyện liên quan, cố gắng thể hiện một nét tâm sự gì đó. Rồi tình cảm trong Đức lớn dần ra sao, đến những tháng ngày Thùy sắp sửa ra trường; những lần gặp gỡ, những lúc ngỏ lời bâng quơ nhưng Thùy nào đâu phản hồi tín hiệu tốt lành. Bao nhiêu đêm anh khắc khoải nhớ mong, nguyện cầu tha thiết rằng Thùy sẽ là người vợ hiền.
Thùy không nói gì cả, chỉ cúi đầu lắng nghe. Chờ khi Đức dứt lời, Thùy ngước mặt lên, khẽ khàng:
- Thưa thầy, em xin lỗi thầy rất nhiều. Thật lòng, em rất quý thầy và trân trọng những tình cảm thầy đã dành cho em nhưng hoàn cảnh gia đình em khá đặc biệt; trong thời điểm này em chưa hề nghĩ gì đến tương lai cá nhân mình hết.
Đức tiếp tục kể thêm nhiều tâm sự khác, đoạn cuối nói như van xin:
- Anh tự trách mình đã vô tình, không hiểu hoàn cảnh của em. Cho phép anh chia sẻ chuyện gia đình của em nhé. Nhưng Thùy ơi, cho anh một ân huệ, hãy gọi anh là anh đi. Em cứ thầy trò, anh cảm thấy lạnh lùng quá.
Giờ thì Thùy kể sơ qua chuyện gia đình mình. Những tháng ngày gian khổ khi ba đi học tập cải tạo ra sao; kế hoạch nhà đi qua Mỹ theo diện HO thế nào và trách nhiệm của Thùy đối với mẹ, với em ra sao. Thùy thú nhận về những rung động đầu đời của thời con gái khi được một người thầy trẻ quan tâm, ngỏ ý yêu đương. Nhưng bổn phận, tình cảm đối với gia đình mạnh hơn, thế dằng co giữa hai phía tạm thời vẫn nghiêng về gia đình.
Nhìn Đức, một người thầy chững chạc, nghiêm nghị mà giờ đây những nét ai oán thể hiện trên khuôn mặt, những giọt nước mắt như chợt tuôn trào, Thùy thấy dường như mình nhẫn tâm quá. Nhưng Thùy nén lòng, bảo:
- Em phải về quê, xem tình hình gia đình thế nào đã. Bây giờ em không dám hứa một điều gì. Em nhớ lời thầy dạy trên lớp, trước một bài toán, một vấn đề phải xem xét nhiều góc độ khác nhau để tìm lời giải đúng. Rồi có gì, em sẽ viết thư cho thầy.
Cầm bằng tốt nghiệp về nhà, Thùy đương đầu với mấy cú sốc. Bố Thùy cả mấy năm theo đuổi việc làm hồ sơ xuất cảnh rồi bị từ chối trong đợt phỏng vấn gần đây vì có một số chi tiết trong quá trình ông khai báo không xác minh được. Từ đó ông trở nên lầm lỳ, cáu gắt vô cớ, chẳng chịu làm việc gì. Gánh nặng gia đình đổ dồn lên mẹ. Các em Thùy, buổi đi học, buổi phụ giúp mẹ làm đủ việc để kiếm thêm tiền. Thỉnh thoảng địa phương đến hỏi thăm, dò xét xem thử gia đình diện HO này có thái độ với chính quyền như thế nào.
Hai tháng hè ở nhà, Thùy thấm thía với bao nhiêu buồn khổ, nặng nề của không khí gia đình. Đến thời gian quy định, Thùy nộp hồ sơ ở Sở Giáo dục thì được phân về trường ở một huyện miền núi. Hỏi ý kiến của bố thì bố trả lời cụt ngủn: Tùy mày. Còn mẹ, dù thương con nhưng trong hoàn cảnh này, mẹ động viên con đi dạy để có người làm việc nhà nước, rồi mấy đứa em có cơ hội vươn lên, chứ bà cũng không trông chờ gì đến đồng lương của Thùy.
Thùy chuẩn bị tinh thần để vượt qua những khó khăn khi nhận nhiệm sở. Tuy vậy, thực tế khắc nghiệt hơn những gì Thùy đã hình dung. Hoàn cảnh hiện tại của gia đình giúp Thùy thêm nghị lực để bám lại ở ngôi trường xa xôi, hoang vu ấy. Với bản tính chịu khó, đầy trách nhiệm của Thùy và những ánh mắt ham học của con em phần lớn là người dưới xuôi, đi kinh tế mới lên đây đã khiến Thùy bớt hoang mang, tìm được niềm vui trong việc dạy. Những đồng nghiệp cùng hoàn cảnh, chia sẻ động viên nhau vượt qua giai đoạn khó khăn của đất nước mà ngay miền xuôi cũng phải chịu đựng.
Sau này, đôi lần ngẫm lại, Thùy thấy có chút gì đó chạnh lòng. Có lẽ thầy Đức quá mô phạm, đã kiềm chế những cảm xúc của mình, không quyết liệt trong thời điểm lòng Thùy đang còn thanh thản. Giai đoạn đó, ngoài lúc học hành căng thẳng, Thùy chỉ nghĩ về gia đình, nghĩ đến những ngày thơ ấu đầy vất vả, gian khổ nên những tình cảm thầy Đức lúc ấy chưa mở ngõ tâm hồn Thùy được. Lần gặp sau cùng, Thùy xót xa, thương thầy nhiều nhưng khi tâm tư lắng đọng, lý trí bảo Thùy đã ứng xử phù hợp với hoàn cảnh lúc đó.

BA
Hồi hôm, khi thầy Dương dự liên hoan với lớp, có bảo Thùy có muốn nói chuyện với thầy Đức không để thầy nối điện thoại. Chuyện xưa lại quay về (Thầy ác vậy! Thùy nhủ thầm). Tâm hồn Thùy lay động, nửa muốn có, nửa thì không. Cuối cùng Thùy bảo:
- Cám ơn thầy. Thôi ạ, lâu quá không gặp thầy Đức, không biết thầy có nhớ đến em không?
Thùy ngần ngại thật. Biết nói gì đây khi mấy chục năm xa cách, biết tâm trạng của thầy ra sao. Nhất là Thùy vẫn giữ chút e dè và với mặc cảm có lỗi nên không thể mở lời trước. Biết đâu, giờ nhận được những lời hững hờ, khách sáo, những lời xã giao thì sẽ làm mất đi những hình bóng quý báu, tươi đẹp của một thời xa xưa ấy.
Qua thầy Dương, Thùy rất yên lòng khi biết thầy Đức có cuộc sống an bình. Còn Thùy sau giai đoạn gian truân thì duyên trời mang đến một đời sống gia đình, được xem là hạnh phúc. Về dự hội trường dịp này thật là quý giá. Giờ Thùy cảm thấy một niềm vui cùng niềm kiêu hãnh nho nhỏ dâng lên khi nhớ và biết thêm chi tiết mới về câu chuyện ngày xưa, đã trở thành những kỷ niệm đẹp. Và giấc ngủ chập chờn, gõ nhịp bởi tiếng khục khặc của bánh xe lửa cũng đến với Thùy từ lúc ấy.

NGUYỄN HOÀNG

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét